U23 Việt Nam – thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam

Cụm từ ” Thế hệ vàng” được dùng khá nhiều trong môn thể thao vua. Nó ám chỉ độ chín của một thế hệ cầu thủ. Và với bóng đá Việt Nam, đang sở hữu một thế hệ đã đạt thành tích châu lục- đó chính là U23 Việt Nam.

Muốn lứa U23 Việt Nam hiện nay phát huy được hết tiềm năng, một trong những việc cần thiết là các câu lạc bộ phải tạo môi trường tập luyện và thi đấu tốt nhất. “Thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam”, “Với lứa này, Việt Nam là ứng cử viên cho vé dự World Cup”,… Đó là những gì giới truyền thông quốc tế nhận xét khi nói đến câu chuyện cổ tích của U23 Việt Nam tại giải vô địch châu Á. Ngay chính các chuyên gia bóng đá hay giới truyền thông quốc nội cũng đánh giá rất cao tiềm năng của những Quang Hải, Công Phượng, Văn Hậu, Tiến Dũng.

Đừng bỏ lỡ 1 thế hệ vàng

Dù câu chuyện cổ tích của U23 Việt Nam không thể thiếu yếu tố may mắn nhưng nhìn nhận một cách khách quan, may mắn cũng là một phần của thực lực. Nếu U23 Việt Nam không chơi tốt, nếu các cầu thủ không đua nổi về sức với đối thủ cho đến những giây cuối cùng, nếu tâm lý không vững trên loạt luân lưu, liệu câu chuyện cổ tích này có được viết nên?

Ngoài chuyện giải mã bí quyết thành công để “nhân bản” trong các giải đấu sau này, một vấn đề đặc biệt quan trọng hơn là làm sao để giúp lứa cầu thủ này của U23 Việt Nam tiếp tục phát triển năng lực để tiến xa hơn, mà gần nhất là AFF Cup 2018, hay xa hơn là Asian Cup 2019 và vòng loại World Cup 2022. Các cầu thủ tham dự VCK U23 châu Á 2018 lần này đều còn rất trẻ, cầu thủ “lớn tuổi” nhất là Nguyễn Công Phượng đang ở tuổi 23 (21/1/1995), còn em út của đội là Đoàn Văn Hậu mới 18 tuổi (19/4/1999). Trong một năm, không phải lúc nào các cầu thủ cũng lên tuyển để ăn tập mà sự phát triển phụ thuộc phần lớn trong quá trình thi đấu ở cấp câu lạc bộ.

khoảnh khắc của lịch sử

Ngoài Hoàng Anh Gia Lai tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ có cơ hội ra sân, không phải CLB nào cũng sẵn sàng trao cơ hội ra sân của các cầu thủ trẻ. Tiêu biểu là thủ thành Bùi Tiến Dũng phải ngồi dự bị cho đàn anh Thanh Thắng tại FLC Thanh Hóa, với chỉ 6 trận ra sân tại V-League 2017. Dù có ít cơ hội ra sân nhưng so với hai lựa chọn còn lại ở vị trí thủ môn, Bùi Tiến Dũng vẫn có số trận thi đấu nhiều hơn khi Nguyễn Văn Hoàng chỉ có 3 trận tại V-League 2017 cho Sài Gòn FC, còn Đặng Ngọc Tuấn không ra sân trận nào cho SHB Đà Nẵng.

Phần đa các cầu thủ được HLV Park Hang Seo sử dụng tại giải đều được ra sân thường xuyên tại V-League mùa trước. Tiêu biểu như Công Phượng (26), Đức Chinh (23), Quang Hải (26), Đức Huy (17), Văn Thanh (23), Đình Trọng (22),… Điều đó cho thấy muốn các cầu thủ trẻ phát triển được tiềm năng, chỉ có một cách duy nhất là để họ ra sân thật nhiều ở những môi trường giàu sức ép. Việc trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ là một phần, một yếu tố khác là môi trường thi đấu cùng điều kiện tập luyện. Việc khán giả đến sân cho thấy sức hút của V-League đang giảm dần, nguyên nhân lớn nằm ở chất lượng các trận đấu. Nhiều câu lạc bộ vẫn chưa thực sự quan tâm đến yếu tố khoa học thể thao, mà điển hình là việc không thuê chuyên gia thể lực. Xét cho cùng, bóng đá là một môn thể thao đòi hỏi cao về thể lực, đặc biệt trong bối cảnh bóng đá hiện đại đang theo xu hướng pressing.

Xin đừng bỏ phí một thế hệ vàng

Hiện tại, V-League mới chỉ có CLB TP Hồ Chí Minh được đầu tư thuê chuyên gia thể lực Martin Forkel, còn lại đều bỏ ngỏ vấn đề này. Ai cũng thấy thành công của lứa U23 Việt Nam một yếu tố lớn nhờ thể lực được cải thiện lớn, khi báo chí Iraq thậm chí còn ví là “thể lực như bất tận”. Tại V-League, các cầu thủ chỉ di chuyển trung bình 5,8-6 kilomet mỗi trận, trong khi mặt bằng chung ở châu Âu hay các quốc gia có nền bóng đá phát triển ở châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản là 8-10 kilomet mỗi trận.

Không thể đổ lỗi cho cầu thủ Việt Nam kém thể lực do cái chung chung gọi là “thể trạng”, màn trình diễn của lứa U23 lần này là minh chứng rõ rệt nhất khi các cầu thủ không hụt hơi dù phải chạm trán các đối thủ to cao hơn. Tiêu biểu là việc cầu thủ nhỏ con như Quang Hải nằm trong số những cầu thủ của đội có số phút thi đấu nhiều nhất tại giải. Điều đó cho thấy không thể lôi cái gọi là “thể trạng” ra để đổ lỗi cho sự yếu kém về thể lực, mà mấu chốt nằm ở chế độ sinh hoạt và tập luyện. Vì vậy muốn thế hệ này phát huy được hết tiềm năng, một trong những việc cần thiết là các câu lạc bộ phải tạo môi trường tập luyện và thi đấu tốt nhất. Nếu so sánh, môi trường thi đấu cấp câu lạc bộ mới là nguồn dinh dưỡng chính cho cây cối phát triển, còn việc tập luyện khi lên tuyển chỉ là bón phân thích hợp cho cây ra hoa kết trái mà thôi.

Rate this post